0905 960 197

Triệu chứng, Biến chứng và điều trị bệnh Tay chân miệng

Ngày đăng 17-06-2020

Bệnh tay chân miệng (chân tay miệng) là một bệnh lây nhiễm dễ gây thành dịch, hay gặp ở trẻ em, chủ yếu là trẻ nhỏ hơn 5 tuổi. Đặc trưng của bệnh là các vết loét ở miệng, hồng ban ở da dạng bọng nước ở tay, chân hoặc mông. Có thể điều trị tay chân miệng tại nhà tuy nhiên cần theo dõi chặt và phát hiện các biến chứng của bệnh nếu có để xử lý kịp thời. Dưới đây là những vấn đề khái quát xoay quanh bệnh tay chân miệng mà cha mẹ trẻ nên biết.

1. Đôi nét về bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm phổ biến. Bệnh có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào. Tuy nhiên, hay gặp hơn cả là ở trẻ sơ sinh và dưới 5 tuổi. Đôi khi bệnh xảy ra ở trẻ lớn hơn hoặc người lớn.

Nguyên nhân gây bệnh là các virus đường ruột. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là coxsackie A16 và EV71. Trong đó các trường hợp biến chứng nặng có thể gây tử vong thường do EV71. Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường bùng phát thành dịch ở các tỉnh phía nam vào tháng 3-5 và tháng  9-12.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nhưng cũng có thể lây khi tiếp xúc với chất tiết ở miệng, dịch bọng nước, chất tiết đường hô hấp…

Nguyên nhân gây bệnh do virus thuộc nhóm enterovirus A gây nên. Những típ hay mắc nhất là coxsackievirus A16, A6, A10 và enterovirus 71. Các virus gây bệnh này lây truyền theo 2 cách:

  • – Đường hô hấp: Qua những giọt nhỏ nước bọt bắn ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện…
  • – Đường tiêu hóa: Qua bề mặt các đồ vật nhiễm dịch tiết của phỏng nước hoặc chất thải (phân) của người bệnh.

2. Triệu chứng bệnh tay chân miệng

Với thể điển hình, bệnh tay chân miệng thường trải qua 4 giai đoạn bệnh dưới đây:

2.1 Giai đoạn ủ bệnh:

Các triệu chứng của tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3-5 ngày sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời gian này gọi là giai đoạn ủ bệnh.

2.2 Giai đoạn khởi phát:

Giai đoạn này kéo dài từ 1-2 ngày. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh giống như các trường hợp nhiễm virus khác. Triệu chứng bao gồm:

tay-chan-mieng

  • Sốt: trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C.
  • Ăn kém: trẻ ăn kém, biếng ăn, bỏ bú
  • Mệt mỏi, ít vận động
  • Ho hoặc đau họng
  • Có thể đau bụng, tiêu chảy một vài lần trong ngày.

2.3 Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh.

Loét họng:

Khoảng 1-2 ngày sau sốt, các vết loét có thể xuất hiện trong miệng trẻ. Chúng thường được tìm thấy ở quanh lưỡi, lợi hoặc mặt trong má.

benh-tay-chan-mieng

Đầu tiên những nốt này là những đốm nhỏ màu đỏ. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển thành những vết loét lớn có màu vàng xám, bao quanh là một vòng tròn đỏ. Thường có từ 5-10 nốt trong miệng.

Những vết loét này có thể rất đau khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn. Trong vòng 1 tuần, vết loét sẽ biến mất.

Nổi ban trên da dạng phỏng nước:

Rất nhanh sau khi xuất hiện các nốt loét trong miệng, trên da của trẻ sẽ mọc lên các nốt nhỏ màu đỏ. Các nốt này có rải rác ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông hoặc vùng sinh dục của trẻ. Kích thước của chúng từ 2-5 mm, hình bầu dục, có màu xám sẫm ở giữa.

Nhìn chung, các nốt này không đau, không ngứa, tồn tại trong thời gian ngắn dưới 7 ngày. Điều quan trọng cha mẹ không được làm vỡ những nốt này vì có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và lây lan bệnh.

2.4 Giai đoạn lui bệnh

phat-ban-tay-chan-mieng

Thường 3-5 ngày sau giai đoạn toàn phát, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Không phải ai mắc bệnh cũng có tất cả các triệu chứng trên. Một số trường hợp, đặc biệt là người lớn có thể bị nhiễm virus và không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên họ vẫn là nguồn lây bệnh sang những người xung quanh.

Bệnh có nhiều biểu hiện tương tự dễ nhầm với các bệnh khác như:

  • Viêm loét miệng biểu hiện có vết loét sâu, có dịch tiết và hay tái phát
  • Sốt phát ban: ban dạng dát và sẩn xen kẽ không có dạng bọng nước. Phát ban ra rồi các triệu chứng của bệnh sẽ giảm lui.
  • Thủy đậu sẽ có các ban bọng nước nhiều lứa tuổi ở toàn thân từ mặt đến chân. Khi hết bọng nước đôi khi để lại sẹo nếu bội nhiễm.
  • Nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn.
  • Sốt xuất huyết Dengue có các chấm xuất huyết, bầm máu, chảy máu chân răng.

Bệnh chân tay miệng cần được chẩn đoán xác định ở cơ sở y tế. Vì vậy nên đưa trẻ đi khám ngay khi có các triệu chứng như phát ban hay loét miệng, sốt.

3. Biến chứng bệnh tay chân miệng

Bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng tới các cơ quan hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp ở chủng có độc lực cao.

  • Ở hệ thần kinh bệnh gây ra viêm não- màng não- tủy. Biểu hiện run giật cơ, ngủ gà, đi loạng choạng thậm chí co giật, hôn mê.
  • Về biến chứng tim mạch, hô hấp có biểu hiện: Mạch nhanh, da nổi vân tím, rối loạn vận mạch, khó thở, phù phổi cấp nguy hiểm nhất có thể gây ngừng tim, ngừng thở dẫn đến tử vong.

4. Điều trị bệnh tay chân miệng

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào trong bệnh tay chân miệng. Do vậy cha mẹ và người thân nên quan sát và phát hiện sớm trẻ bị bệnh để điều trị kịp thời.

Với những trẻ sốt nhẹ và chỉ có triệu chứng loét miệng hoặc hồng ban dạng bọng nước được chăm sóc tại nhà  như sau:

  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích
  • Dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng đầy đủ theo lứa tuổi nâng cao thể trạng cho trẻ, không ăn kiêng khi trẻ bị bệnh, cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ, ăn các thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước.
  • Hạ sốt bằng paracetamol liều 10-15mg/kg/liều, uống khi sốt >= 38,5 độ và cách 4-6h nếu trẻ còn sốt. Theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên.
  • Điều trị loét miêng bằng cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ, rà vết loét bằng các thuốc điều trị tại chỗ như aluminum hydroxide, Maalox..v.v.
  • Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Nắm được các dấu hiệu nặng cũng như chuyển độ để đi khám kịp thời.

Theo dõi trẻ và hạ sốt cho trẻ. Lưu ý những dấu hiệu nặng sau đây trong vòng 8 ngày kể từ khi mắc bệnh như sau:

  • Trẻ sốt cao > 39 độ C, trẻ sốt kéo dài >2 ngày
  • Nôn liên tục, quấy khóc.
  • Cơ thể bứt rứt, ngủ lịm đi và lúc mới ngủ thì cơ co giật, trong khi ngủ thì chân tay múa máy và quờ quạng hoặc đi loạng choạng.
  • Lúc mới ngủ mắt bé có xu hướng đảo vòng. Chân, tay thời gian này yếu hơn, khó thở và da nổi vân tím.

Ngay khi có các triệu chứng này nên đưa trẻ đi khám bác sỹ để được xử trí kịp thời.

.Nguồn: Thầy thuốc Việt Nam