0905 960 197

NỘI SOI HẬU MÔN ỐNG CỨNG CAN THIỆP – TIÊM XƠ BÚI TRĨ

Ngày đăng 19-06-2021

NỘI SOI HẬU MÔN ỐNG CỨNG CAN THIỆP – TIÊM XƠ BÚI TRĨ

I. ĐẠI CƯƠNG:

Tiêm xơ búi trĩ là phương pháp tiêm một chất gây xơ vào gốc búi trĩ để điều trị trĩ
nội bằng nội soi hậu môn ống cứng.

II. CHỈ ĐỊNH

Trĩ nội độ 1, độ 2, và độ 3 nhỏ.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Trĩ nội độ 3 to, độ 4, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại, huyết khối trĩ.
– Viêm nhiễm tại hậu môn.
– Bệnh rối loạn đông máu, bệnh toàn thân giai đoạn cấp, bệnh suy giảm miễn
dịch HIV.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

01 bác sĩ và 01 điều dưỡng phụ.

2. Phương tiện

– Ống soi hậu môn, nguồn sáng tốt, bơm tiêm, thuốc sát trùng.
– Thuốc gây xơ: Polidocanol.

3. Người bệnh

Giải thích kỹ để người bệnh hiểu và cộng tác, thụt tháo phân, đi tiểu trước khi làm
thủ thuật.

4. Hồ sơ bệnh án

Kiểm tra tên, tuổi người bệnh, xét nghiệm đông máu, cầm máu.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

Tên, tuổi người bệnh, các xét nghiệm.

2. Kiểm tra người bệnh

Người bệnh nằm sấp. Bác sĩ tiến hành thăm hậu môn, soi hậu môn để xác định lại
chẩn đoán, chọn các búi trĩ sẽ tiêm thuốc.

3. Thực hiện kỹ thuật

Lau sạch ống hậu môn, bôi thuốc khử khuẩn dịu như Betadine, banh hậu môn để
gốc búi trĩ. Tiêm thuốc gây xơ vào gốc búi trĩ vùng dưới niêm mạc, mỗi búi từ 1, 2, 3
ml tùy kích thước búi trĩ. Rút kim ra, nếu chảy máu ở lỗ đâm kim, ấn chặt một miếng
bông. Tiêm trên đường lược ít nhất 5 mm, người bệnh không đau. Tiếp tục điều trị búi
trĩ khác. Không tiêm quá 3 búi trĩ trong một lần điều trị. Tránh tiêm ở vị trí 12 giờ. Các
lần tiêm cách nhau 1- 2 tuần lễ.

VI. THEO DÕI

noi-soi-hau-mon-ong-cung

– Trước, trong và sau khi làm thủ thuật: theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp.
– Sau khi làm người bệnh nghỉ ngơi 15 phút rồi cho về.
– Cho thuốc giảm đau, nhuận tràng, an thần.
– Ngâm hậu môn bằng nước ấm 2 lần/1 ngày trong 7 ngày.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

– Sốc phản vệ: Mạch nhanh, huyết áp tụt. Xử trí theo phác đồ sốc phản vệ.
– Choáng: cho người bệnh nằm nghỉ, theo dõi mạch, huyết áp.
– Tiêm không đúng khoang dưới niêm mạc: sâu quá lớp cơ, người bệnh đau,
rút bớt kim lại. Tiêm nông quá, niêm mạc trắng bệch, thuốc trào ra ngoài, không có
tác dụng.
– Chảy máu chỗ tiêm: ấn chặt miếng bông, ép gạc.
– Đau do tiêm thấp dưới đường lược hoặc tiêm quá sâu: cho thuốc giảm đau.
– Áp xe hay nứt kẽ hậu môn.
– Nhiễm khuẩn nặng: sốt cao, đau nhiều, bí đái: cho người bệnh vào viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện (1999): 325-327