0905 960 197

Viêm thanh quản

Ngày đăng 02-04-2021

Viêm thanh quản là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng sưng viêm ở dây thanh quản do bạn sử dụng chúng quá mức hay có nhiễm trùng xảy ra.

Bên trong thanh quản có hai dây thanh âm có thể đóng, mở nhịp nhàng để tạo ra âm thanh (giọng nói). Khi tình trạng viêm xảy ra, dây thanh âm này bị kích ứng và sưng lên. Từ đó, âm thanh được tạo ra khi không khí đi qua chúng bị thay đổi. Kết quả là giọng nói của bạn trở nên khàn hơn bình thường. Một số trường hợp, người bệnh gần như không thể nói ra thành tiếng.

Tình trạng sức khỏe này có thể tồn tại trong một thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mạn tính). Hầu hết trường hợp bị viêm là do nhiễm virus hay do nói quá nhiều và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, triệu chứng khàn giọng dai dẳng đôi khi là dấu hiệu cảnh báo cho một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.

1. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm thanh quản:

viêm thanh quản 1

Đa số trường hợp, bệnh lý này thường kéo dài không quá 1 tuần với nguyên nhân phổ biến là do nhiễm virus sau khi bị cảm lạnh, cúm. Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này bao gồm:

  • Khàn giọng
  • Giọng nói yếu hơn hoặc mất tiếng
  • Có cảm giác ngứa, rát trong cổ họng
  • Đau họng
  • Khô họng
  • Ho khan
  • Khó nuốt

Nếu bạn có nhiều triệu chứng khác nghiêm trọng hơn, khả năng cao là có liên quan đến một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

2. Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Các trường hợp viêm thanh quản cấp hầu như đều có thể được kiểm soát và cải thiện hiệu quả nhờ những biện pháp tự chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như hạn chế nói, uống nhiều nước. Việc nói quá nhiều, liên tục trong khi đang bị viêm ở thanh quản có thể khiến dây thanh âm bị tổn thương nặng hơn.

Nếu thấy các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm.

Trường hợp bạn cần nhận được chăm sóc y tế ngay lập tức là:

  • Cảm thấy khó thở
  • Ho ra máu
  • Sốt dai dẳng không bớt
  • Cơn đau ngày càng nặng hơn
  • Khó nuốt

Viêm thanh quản ở trẻ em cũng có thể xảy ra và bạn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu thấy:

  • Tạo ra âm thanh lạ khi thở, thở rít, thở khò khè
  • Chảy nước mũi nhiều hơn bình thường
  • Gặp khó khăn khi nuốt
  • Khó thở
  • Sốt cao (> 39ºC)

Những dấu hiệu và triệu chứng trên có thể cho thấy có tình trạng viêm thanh khí phế quản (croup) hay viêm nắp thanh quản ( viêm thanh thiệt). Khi đó, việc chữa trị viêm dây thanh quản nên được tiến hành càng sớm càng tốt vì nếu không, bệnh có thể gây đe dọa tính mạng, kể cả ở trẻ em hay người lớn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

a. Nguyên nhân viêm thanh quản là gì?

– Viêm thanh quản cấp tính

Đa số trường hợp viêm thanh quản đều không kéo dài và được cải thiện sau khi giải quyết nguyên nhân cơ bản gây viêm. Các nguyên nhân gây ra tình trạng viêm cấp tính này thường là:

  • Nhiễm virus, thường là sau khi bị cảm lạnh, cúm
  • Sử dụng thanh quản quá mức, do la hét hoặc nói quá nhiều
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như bệnh bạch hầu (hiếm khi xảy ra)

– Viêm thanh quản mạn tính

Nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 tuần thì được gọi là viêm thanh quản mạn tính. Nguyên nhân thường là do tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng theo thời gian. Viêm mạn tính có thể khiến dây thanh âm bị kéo căng và tổn thương. Nguyên nhân có thể là:

  • Các chất gây kích ứng thanh quản ở dạng khí như khói hóa chất, tác nhân gây dị ứng hay khói thuốc
  • Trào ngược axit dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản
  • Viêm xoang mạn tính
  • Uống rượu nhiều quá mức
  • Bệnh nghề nghiệp do cần nói thường xuyên (như ca sĩ, giáo viên…)
  • Hút thuốc

Các nguyên nhân gây viêm mạn tính có thể gồm:

  • Nhiễm vi khuẩn hay nấm
  • Nhiễm một số loại ký sinh trùng
  • Ung thư
  • Liệt dây thanh âm do chấn thương, đột quỵ, có khối u phổi…
  • Dây thanh âm bị ảnh hưởng do tuổi già

4. Chẩn đoán

Làm thế nào để chẩn đoán viêm thanh quản?

Dấu hiệu phổ biến nhất khi bị viêm thanh quản là khàn giọng. Mức độ thay đổi trong giọng nói sẽ tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng hoặc kích ứng ở thanh quản, bạn có thể bị khàn giọng nhẹ cho đến nặng hơn, có khi mất tiếng hoàn toàn. Do đó, bác sĩ sẽ lắng nghe giọng nói và kiểm tra dây thanh âm của bạn để đưa ra chẩn đoán ban đầu.

Một vài kỹ thuật giúp xác nhận lại chẩn đoán bao gồm:

  • Nội soi thanh quản
  • Sinh thiết

5. ĐIỀU TRỊ

5.1. Nguyên tắc điều trị

5.1.1. Viêm thanh quản không có khó thở

− Quan trọng nhất là kiêng nói, tránh lạnh.

− Nội khoa: thuốc kháng sinh, giảm viêm, kháng histamin H1, tiêu đờm, giảm ho…

− Điều trị tại chỗ bằng các thuốc giảm viêm nhóm corticoid, men tiêu viêm,tinh dầu…

− Nâng cao sức đề kháng, bổ sung dinh dưỡng, điện giải.

5.1.2. Viêm thanh quản có khó thở

− Khó thở thanh quản độ I: điều trị nội khoa.

− Khó thở thanh quản độ II: mở khí quản cấp cứu.

− Khó thở thanh quản độ III: mở khí quản cấp cứu kết hợp hồi sức tích cực.

5.2. Điều trị cụ thể        

5.2.1. Kháng sinh

− Nhóm beta lactam: Amoxicilin, cephalexin, các cephalosporin thế hệ 1,2 như: cefadroxyl, cefaclor, cefuroxime, các thuốc kháng men betalactamse: acid clavulanic, sulbactam…

− Nhóm macrolide: azithromycin, roxithromycin, clarythromycin…

5.2.2. Kháng viêm

− Chống viêm steroid: prednisolon, methylprednisolon, dexamethasone…

− Chống viêm dạng men: alpha chymotrypsin, lysozym…

5.2.3. Điều trị tại chỗ

− Khí dung, bơm thuốc thanh quản bằng các hỗn dịch kháng viêm corticoid (hydrococtison, dexamethason…), kháng viêm dạng men (alpha chymotrypsin…),kháng sinh (gentamycin…).

− Súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn, giảm viêm tại chỗ: BBM…

5.2.4. Hạ sốt, giảm đau

Truyền dịch, paracetamol, aspirin…

5.2.5. Nâng đỡ cơ thể

Bổ sung yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin, dinh dưỡng…

6. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Viêm thanh quản cấp ở người lớn không gây ra các tình trạng nguy hiểm có khả năng hồi phục tốt, nhưng ở trẻ em phải theo dõi sát vì dễ gây khó thở thanh quản, có thể  ảnh hưởng đến sinh mạng.

Viêm thanh quản cấp có thể tiến triển thành viêm phế quản, viêm phổi nhưng hiếm gặp.

7. PHÒNG BỆNH

− Giữ ấm cho trẻ em về mùa lạnh, tránh lạm dụng giọng quá sức ở người lớn.

− Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm…

− Khi phát hiện bệnh ở trẻ em cần theo dõi sát để phòng tiến triển xấu.